Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

CEO General Motors ngả mũ thán phục khi Toyota thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu

"Thẳng thắn mà nói, việc sản xuất ra nhiều xe trên thị trường tương đối đơn giản, song sản xuất bão hòa cũng có nghĩa là lợi nhuận về 0".
Từ quan trọng nhất trong quảng cáo
Thu hút công chúng tham gia sự kiện   
CEO General Motors ngả mũ thán phục khi Toyota thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu
Vị trí đầu tiên mà Dan Akerson đảm nhiệm khi bước chân vào ngành công nghiệp ô tô cũng chính là chức vụ hiện tại ông đang nắm giữ: CEO tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ General Motors (GM). Dan Akerson còn được biết đến là Chủ tịch và CEO công ty truyền thông Nextel, XO Communications, General Instrument và từng làm Tổng giám đốc tập đoàn đầu tư Carlyle Group. Việc chính phủ Mỹ quyết định cứu trợ GM hồi năm 2009 đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Dan Akerson – ông được mời vào Hội đồng quản trị tập đoàn GM. 
Năm 2010 sau quyết định từ chức đột ngột của CEO Ed Whitacre, Akerson đã được bổ nhiệm vào vị trí đang khuyết người này. Mới đây, Akerson đã có cuộc trò chuyện với tờ Fortune về cách làm thế nào để lái xe hơn 3000 dặm với chỉ hơn 3 lít khí gas bằng chiếc Chevy Volt, cách đưa GM trở nên gần gũi hơn với khách hàng, những bài học trên bước đường sự nghiệp và nhiều điều khác nữa.
PV: Trong quý 1 năm nay, Toyota đã vượt qua GM để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Với ông điều này có ý nghĩa như thế nào?
Akerson: Mục tiêu của tôi là tạo ra tỷ suất lợi nhuận càng cao càng tốt. Thẳng thắn mà nói, việc sản xuất ra nhiều xe trên thị trường tương đối đơn giản, song sản xuất bão hòa cũng có nghĩa là lợi nhuận về 0. Việc Toyota trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới trong quý 1 năm nay là một tin tốt, và tôi thực sự ngả mũ thán phục vì điều đó. GM cũng đang trên đà phát triển đúng hướng. Trong sự phục hồi của GM, chúng tôi chú trọng tới những sản phẩm tuyệt hảo và dây chuyền sản xuất chúng tôi đang có đóng vai trò quan trọng tới thành công của tập đoàn.
PV: Việc phát triển dây chuyền sản xuất trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh khủng hoảng khi mà nguồn tiền trở nên khan hiếm. GM đã phải mất bao lâu để trở về đúng quỹ đạo hoạt động?
Akerson: Thật may mắn là trong bối cảnh giá dầu leo thang chóng mặt vào năm ngoái, những sản phẩm GM cho ra mắt người tiêu dùng đều là những mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu. Trong tháng 4 vừa qua, chúng tôi là nhà sản xuất ô tô đầu tiên ở Mỹ xuất xưởng 100.000 chiếc xe có khả năng chạy trung bình hơn 30 dặm (hơn 48 km) mà chỉ tiêu tốn 1 gallon (hơn 3,7 lít) nhiên liệu. Điều này thể hiện sự đa dạng trong các sản phẩm của GM, với mẫu Volt và Cruze ra đời năm ngoái và Sonic mới trình làng trong năm nay. Trong ba năm tới, 70% mẫu xe của GM sẽ được quay vòng và làm mới.
PV: Bức tranh toàn cảnh của ngành công nghiệp ô tô hiện nay chỉ tập trung vào một số ít những nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất để thành công trong môi trường cạnh tranh như vậy?
Akerson: Muốn đạt được điều đó, mỗi đối thủ phải nhập cuộc dài hơi. Một trong những điều gây ngạc nhiên cho không ít người khi chúng tôi phát hành cổ phiếu lần đầu khoảng 15, 16 tháng trước đó là chỗ đứng vững chắc của GM trong thị trường khối BRICs (gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc). Tại hai thị trường tiêu thụ xe lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ, GM hiện đang dẫn đầu về thị phần. Tôi cho rằng đây là một tín hiệu tốt đối với GM.
PV: Việc kinh doanh trên phạm vi toàn cầu có thể trở nên rất khó kiểm soát. Làm cách nào GM có thể trụ vững khi có không ít nhà máy đặt tại nhiều nước khác nhau?
Akerson: Hiện GM có tổng cộng 167 cơ sở sản xuất trên toàn thế giới tại 33 quốc gia. Lúc nào chúng tôi cũng có khoảng 90 tỉ đô la tiền hàng được chuyển đến những nhà máy này. Đó là một công việc khó khăn. GM đã tìm cách quản lý các sản phẩm bằng cách mở mang thêm và liên kết các trung tâm phát triển và thiết kế sản phẩm của chúng tôi trên toàn cầu.
PV: Phải chăng GM không phải lúc nào cũng là một tập đoàn tầm cỡ toàn cầu?
Akerson: GM là một tập đoàn toàn cầu song được điều hành như nhiều công ty quy mô nhỏ khác. Một vài năm về trước, chỉ có 14% trên tổng số xe được sản xuất trên nền tảng toàn cầu. Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2015, con số này sẽ tăng lên 65%. Chúng tôi sẽ tập trung nâng cao chất lượng, độ tin cậy cũng như sức bền của các mẫu xe. GM đã có những bước tiến đáng kể song hẵng còn nhiều việc trước mắt cần thực hiện.
PV: Ngành công nghiệp sản xuất ô tô đang trong giai đoạn chứng kiến nhiều sự đổi thay mạnh mẽ. Sau hơn một thế kỷ sử dụng động cơ đốt trong, giờ đây đã xuất hiện nhiều công nghệ tiên tiến hơn thay thế. Đối với dòng xe chỉ dành cho cá nhân không vì mục đích thương mại thì liệu ô tô chạy điện có chiếm ưu thế?
Akerson: So với những chiếc xe chạy trên đường vào năm 1910, xe ô tô thời nay vẫn là những cỗ máy bốn bánh chạy bằng động cơ đốt trong, chỉ khác là chúng an toàn hơn, kích cỡ lớn và nặng hơn, có thêm hệ thống điều hòa và hộp truyền động.
Giờ đây chúng ta có thêm nhiều lựa chọn hơn với các loại động cơ thay thế. Có thể kể đến đầu tiên là động cơ điện. Có khoảng 80% số người lái xe ở Mỹ đi trên dưới 40 dặm (hơn 60km) mỗi ngày. Với mẫu xe Volt, bạn có thể thoải mái di chuyển quãng đường trên mà chỉ cần xạc điện một lần, ngoài ra xe còn được trang bị một động cơ đốt trong cỡ nhỏ hỗ trợ động cơ điện. Bản thân tôi đã lái chiếc Volt đi 3000 dặm (hơn 4800 km) mà chỉ tiêu tốn 1 gallon gas (khoảng 3,7 lít).


PV: 1 gallon hay 1 bình gas?
Akerson: 1 gallon gas. Tuy nhiên ngày nào tôi cũng nạp điện cho xe để đi quanh thành phố. Nếu muốn, tôi có thể đi từ New York đến California và quay trở về - bạn không thể làm điều tương tự với chiếc xe chỉ chạy động cơ điện.

Chúng tôi hiện đang phát triển loại động cơ dự kiến có giá khoảng 1.500 đô la với hai nguồn nhiên liệu: khí gas nén tự nhiên và xăng. Có lẽ mọi người sẽ thắc mắc tại sao chúng tôi lại tạo ra loại động cơ dùng đến hai loại nhiên liệu như vậy? Đó là bởi sử dụng khí gas nén tự nhiên vẫn chưa thực sự phổ biến trong nước, lượng khí gas nén bán ra chỉ bằng 1/3 so với xăng. Đó cũng có thể coi là một cách để làm mới thị trường.

Một điểm nữa mà GM hiện đang có thế mạnh đó là công nghệ pin nhiên liệu hydro (hydrogen fuel-cell). Có khả năng công nghệ mới này sẽ chưa phổ biến trong 10 năm tới.
PV: Ông được biết đến là người luôn chú tâm đến những vấn đề có tầm quan trọng đối với khách hàng cũng như các kỹ sư thiết kế. Nói GM ngày nay đã lấy khách hàng làm trọng tâm một cách thích đáng liệu có đúng hay không?

Akerson: Chưa hẳn, những GM đã làm tốt hơn sứ mệnh đó. Chúng tôi có thể kể tên ở đây một người phụ nữ trẻ rất tài năng: Alicia Boler-Davis hiện đang là phó giám đốc phụ trách lĩnh vực kinh nghiệm khách hàng. Đây có thể xem là cách nhìn mới từ phương diện của một hãng sản xuất ô tô như GM. Alicia Boler-Davis đã cộng tác với chúng tôi trong suốt 10 năm qua phát triển một trong những sản phẩm chủ lực của GM và đề xuất kế hoạch sản xuất mẫu xe này. Có thể nói, kinh nghiệm khách hàng không chỉ giúp sản phẩm có được độ tin cậy, tính bền và chất lượng vượt trội mà còn cho thấy cách thức thiết kế, sản xuất, bán hàng và hậu mãi ra sao. Chúng tôi sẽ tập trung vào số liệu trong một khoảng thời gian dài hơn là từng giai đoạn rời rạc. Bản thân tôi hi vọng rất nhiều vào việc sản phẩm của GM được đánh giá ngày càng cao trên thị trường xe hơi.

PV: Hẳn là ông đang có trong tay nhiều số liệu về khách hàng. Vậy nhưng nếu như cũng giống như các công ty khác, những số liệu có giá trị này chưa được khai thác triệt để thì sao?
Akerson: Chúng tôi rất trông đợi vào hệ thống công nghệ thông tin của GM. Việc lưu trữ thông tin khách hàng chưa phải là một điểm mạnh của tập đoàn, và có thể chưa từng được thực hiện trước đây, song trong tương lai không xa sẽ có nhiều thay đổi.
PV: Kho bạc Mỹ hiện vẫn đang nắm giữ 26% cổ phần GM. Điều này có phải là một trở ngại trong hoạt động của tập đoàn hay không?
Akerson: Tôi sẽ trả lời là có và không. Một khảo sát thực hiện gần đây cho thấy có những khách hàng bày tỏ quan điểm nếu chính phủ còn phần nào sở hữ GM thì họ sẽ không mua xe do chúng tôi sản xuất. Tôi cho rằng công chúng đang giữ quan điểm về thị trường tự do trong nền kinh tế và bản thân tôi không nằm ngoài số đó.
Tuy nhiên nếu GM và Chrysler mất đi thì một phần lớn dây chuyền cung ứng sẽ sụp đổ. Điều này sẽ đặt những nhà sản xuất và hệ thống cung ứng như BorgWarner, Delphi, Visteon và các đại lý phân phối hiện sở hữu tới 8 triệu khách hàng vào tình thế khốn khó bởi 500 tỉ đô la tiền lương hàng năm và 70 tỉ tiền thuế có nguy cơ mất không. Và tác động của vấn đề này tới xã hội là không hề nhỏ: người người mất nhà cửa, trẻ em không có cơ hội đến trường. GM có trách nhiệm làm một điều gì đó cho cộng đồng. Chúng tôi có đủ can đảm và khả năng lãnh đạo để đứng lên một cách mạnh mẽ. Dù việc tái cơ cấu hay phá sản có thể xảy ra thì vẫn còn rất nhiều cách giải quyết, và chúng tôi đã chọn lấy con đường đúng đắn.
PV: Ông đã bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành CEO của General Motors?
Akerson: Tôi chưa từng nghĩ vậy.
PV: Ông có lời khuyên nào dành cho những người đang trăn trở về con đường sự nghiệp của mình?
Akerson: Tôi nghĩ rằng mình là một kẻ may mắn. Tại Học viện hải quân Hoa Kỳ nơi tôi từng theo học, họ luôn nói về nghĩa vụ đối với quốc gia theo kiểu mệnh lệnh trong một thế giới văn minh. Về phần mình, tôi tin tưởng vào thị trường tự do và mong muốn kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Đây mới là động lực để tôi thực hiện nghĩa vụ.
Tôi chưa từng nghĩ một ngày mình sẽ đảm nhiệm chức CEO của GM. Mọi việc xảy đến như thể có những trục trặc trong công việc – tôi từng phải rời bỏ vị trí đang công tác và bây giờ tôi đã 60 tuổi. Có vẻ như thế đã là hơi muộn để tạo ra những thay đổi mới mẻ cho bản thân, nhưng tôi nghĩ mình có thể là một phần trong một tập thể lớn hơn, và quả thực chúng tôi đã làm nên một tập thể tuyệt vời tại GM. Tôi luôn nghĩ tương lai phía trước đang rất xán lạn và chúng tôi phải làm điều gì đó để xứng đáng với nó. Đó quả thực là một trải nghiệm lý thú đối với tất cả chúng tôi.
Phong Linh
Theo TTVN/Fortune

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét