Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Cấm quảng cáo “nhất”

Đó là khẳng định của ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH).
Cấm quảng cáo “nhất”
Việc quảng cáo so sánh như thế này không phù hợp với dự thảo Luật Quảng cáo. Ảnh: HTD

Ông là người trình bày trước QH bản Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quảng cáo sáng 30-5.
. Phóng viên: Thưa ông, trong dự thảo Luật Quảng cáo có quy định cấm quảng cáo có chữ “nhất”. Pháp Luật TP.HCM từng phân tích có những trường hợp họ chứng minh được, chẳng hạn “sản phẩm lâu đời nhất”, thì sao lại cấm?
+ Ông Đào Trọng Thi: Dự thảo quy định cấm dùng cụm từ, thuật ngữ có chữ “nhất” thì có thể là chưa chính xác. Nhưng ý chính là cấm việc anh quảng cáo so sánh, anh là hơn tất cả mọi người. Nếu anh nói anh nhất thì nhất theo tiêu chí nào? Ngay cả người đẹp nhất thì cũng có người đẹp thể thao, người đẹp du lịch, người đẹp văn hóa cơ mà! Anh đi thi có đạt giải nhất đi nữa thì cũng phải nói là ai chấm, kỳ thi nào, nhất theo kiểu gì.
. Nghĩa là nếu quảng cáo sản phẩm đã đạt giải nhất trong một cuộc thi nào đó thì vẫn có thể chấp nhận?
+ Nếu anh nhất trong một cuộc thi cụ thể nào đấy thì có thể được.
Cách diễn đạt trong luật thì cần phải tiếp tục sửa chữa nhưng tinh thần vẫn là không để cho anh tự khẳng định anh là nhất nếu cái nhất đấy chung chung, không rõ ràng.
1,5 giây chỉ là tích tắc
. Hiện nay có tình trạng khi đọc báo điện tử thì phần quảng cáo hiện ra chèn lên nội dung khiến bạn đọc rất khó chịu. Dự luật có cấm kiểu quảng cáo này không?
+ Dự luật không cấm nhưng quy định rõ là phải tạo cho bạn đọc khả năng tắt quảng cáo. Bạn đọc bấm tắt thì sau 1,5 giây phải tắt. Hiện có nhiều báo điện tử đưa quảng cáo lên, tuy có dấu hiệu để tắt nhưng lại đè nội dung khác lên dấu tắt khiến bạn đọc rất khó tìm. Theo dự thảo, việc này là vi phạm.
Dự thảo không cấm, bởi lẽ nếu cấm quảng cáo đè lên chữ thì chắc chắn họ lại tìm ra cách khác để quảng cáo thôi. Còn như mình quy định tổng quát thì sẽ chặn hết mọi khả năng xâm phạm. Do đó dự luật tạo cơ chế để người đọc có thể tắt ngay cái quảng cáo mình không cần xem. 1,5 giây chỉ trong tích tắc mà thôi.
. Luật cho phép quảng cáo bằng đoàn người nhưng điều kiện rất chung chung như “đảm bảo trật tự an toàn giao thông”. Nhiều ý kiến lo ngại các cơ quan quản lý sẽ vin vào sự chung chung ấy để làm khó doanh nghiệp?
+ Hoạt động quảng cáo phải đảm bảo quyền lợi của cộng đồng, không được làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Dự luật mở ra hướng chấp nhận cho quảng cáo đoàn người. Trong trường hợp không thể cụ thể được trong luật thì sẽ phải giao cho Chính phủ hướng dẫn.


Tin nhắn rác: Chấp nhận ở mức độ nào đó
. Tin nhắn rác cũng đang là bức xúc của xã hội, dự luật điều chỉnh vấn đề này thế nào?
+ Dự luật quy định người tiêu dùng có quyền tiếp nhận hay không tiếp nhận tin nhắn quảng cáo (tin nhắn rác). Nếu khách hàng từ chối thì không được quyền gửi. Luật cũng quy định thời gian gửi tin không được xâm phạm đến cuộc sống của người ta.
. Nhưng thực tế, nếu nhắn từ chối thì người tiêu dùng sẽ bị thiệt vì sẽ không được nhận những thông tin hữu ích khác như giá cước, lịch khuyến mãi?
+ Cũng cần phải nói là anh muốn nhận tin của người ta thì anh cũng phải chấp nhận trong đó có cái anh cần, có cái anh không cần. Luật đảm bảo cho anh quyền lựa chọn. Nếu anh không muốn nhận thì anh có thể xóa. Nếu anh thấy cái nguồn tin đấy không hữu ích thì anh có thể từ chối, không nhận nữa.
. Xin cảm ơn ông.
Không chèn quảng cáo giữa chương trình
Dự luật cho phép thời lượng quảng cáo trên truyền hình trả tiền đến 5% tổng thời lượng là chưa hợp lý. Dự thảo cần khống chế thời lượng quảng cáo tối đa 3%, tương đương 43 phút quảng cáo trên 24 giờ, mỗi lần quảng cáo không được quá 2 phút.
Tôi cũng đề nghị quảng cáo trên truyền hình trả tiền không được chen ngang chương trình, chỉ được phát trước hoặc sau chương trình mà thôi.
ĐB ĐẶNG THUẦN PHONG, Bến Tre
Cấm quảng cáo thiếu thẩm mỹ
Đại đa số cử tri phản ánh rằng hình ảnh và lời nói trong quảng cáo hiện nay quá phản cảm, không thể chấp nhận được. Ví dụ, quảng cáo thuốc tăng cường sinh lực cho nam và kết thúc bằng câu nói “một người khỏe, hai người vui”. Đến nỗi nhiều trẻ em ở địa phương chúng tôi hay dùng cụm từ này khi nói chuyện. Có quảng cáo quay hai vợ chồng nằm ôm nhau trên giường, người vợ mặc váy, máy quay đặt dưới chân giường quay lên, coi phản cảm quá.
Tôi đề nghị cấm quảng cáo có hình ảnh và lời nói thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử văn hóa đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
ĐB NGUYỄN THỊ TUYẾT THANH, Quảng Nam
THU HẰNG ghi
Hà Nội: Khó dẹp quảng cáo, rao vặt
Trong tháng 5, Hà Nội đã ban hành 21 văn bản đề nghị các doanh nghiệp viễn thông cắt gần 2.900 số điện thoại quảng cáo, rao vặt (QCRV) trái phép. Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Hà Nội cho biết tại buổi tổng kết hoạt động QCRV ngày 30-5.
Lãnh đạo Sở thừa nhận dù lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kết hợp cắt thuê bao điện thoại QCRV, lắp đặt biển QCRV miễn phí ở những nơi đông người… Tuy nhiên, sau khoảng một tháng tạm lắng thì QCRV tái xuất hiện, còn biển QCRV miễn phí thì ít được dùng.
Đại diện Phòng Văn hóa-Thông tin quận Hoàn Kiếm cho biết: “Ban ngày ra quân bóc dỡ quảng cáo triệt để, sau một đêm lại tràn ngập quảng cáo”.
VIẾT THỊNH
Theo THANH HOA
Pháp luật TPHCM
Các tin cũ hơn:

Được nhận quà, hay làm quảng cáo không công? 

Người đẹp quảng bá trái phiếu Chính phủ Nhật 

Marketing thời khủng hoảng: Làm tốt có cơ hội thành 'đại gia' ! 

Những quảng cáo gây ấn tượng mạnh mẽ 

Các kiểu quảng cáo gây phản cảm với người tiêu dùng 

Những bí ẩn đằng sau chiến lược Marketing 

Những bức họa về phụ nữ và xe hơi đẹp đến khó cưỡng 

Ngộ nghĩnh quảng cáo ở Việt Nam thời thuộc địa 

Chiêu trò chinh phục Trung Quốc của đại gia hàng hiệu 

Mì Gấu đỏ thuê 'diễn viên' để mua nước mắt của khách hàng? 

Tiếp thị kiểu “nhà nghèo” 

Chiêu trò của làng Fastfood thế giới: Gây sốc, lột xác và... bắt chước 

DN lữ hành TP HCM: Mất khách vì bất đồng ngôn ngữ? 

Thương hiệu trong phim The Avengers 

Hoạt động marketing và thương hiệu vì mục đích xã hội 

Quảng cáo cấm xài chữ "nhất"? 

PepsiCo lại "cậy nhờ" Michael Jackson tiếp thị nước ngọt 

Quảng cáo dựa trên môi trường 

10 quảng cáo sáng tạo của bia Heineken 

Những quyết định marketing táo bạo đi trước thời đại của Steve Jobs 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét