Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Câu khách bằng mác sao Việt

Vòng cổ Hà Hồ, jumpsuit Ngọc Trinh, belt Hà Tăng.., không ít chủ kinh doanh chọn gắn tên tuổi ca sĩ, người mẫu, diễn viên nổi tiếng lên những bộ cánh, phụ kiện thời trang để thu hút khách.
Trên các website kinh doanh online, tên tuổi nhiều ca sĩ, người mẫu, diễn viên xuất hiện gắn liền với một sản phẩm thời trang như váy Ngọc Trinh, vòng cổ, vòng tay Hồ Ngọc Hà, đai lưng kim loại Tăng Thanh Hà... Cách gọi như vậy bởi hàng hóa có mẫu mã giống với hình ảnh bộ cánh, phụ kiện mà những người nổi tiếng đã sử dụng. Những bộ cánh, phụ kiện mang tên sao Việt có giá từ vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng, tùy theo chất lượng.
Áp dụng cách kinh doanh trên, Nguyễn Phương Thu (Lê Thanh Nghị, Hà Nội) cho biết chuyện buôn bán khá thuận lợi. Có mối hàng bên Quảng Châu, Trung Quốc, Thu chỉ việc săn ảnh người mẫu, diễn viên nổi tiếng trên mạng sau mỗi sự kiện và chọn nhập sản phẩm. Trung bình một ngày, Thu bán được 2-3 bộ váy, 5-7 loại phụ kiện bao gồm cả túi xách, mũ, dây lưng, vòng tay, kẹp tóc...
Thu tâm sự, tên tuổi của giới showbiz giúp việc tiêu thụ hàng dễ dàng hơn. Bởi người của công chúng thường có lượng fan hâm mộ hùng hậu, khách hàng của Thu theo đó cũng khá dồi dào. Ngoài ra, đa phần sản phẩm ca sĩ, diễn viên nổi tiếng chọn dùng đều đạt chuẩn về mẫu mã nên ai cũng thích mua.
Thẳng thắn cho biết những mặt hàng mình bán đều là đồ fake song Thu cho rằng điều đó không quan trọng. Theo cô, với mức giá chỉ vài trăm nghìn đồng, khó có khách hàng nào tin rằng đó là sản phẩm mà sao đã sử dụng. "Quan trọng mẫu mã đẹp và giống với thần tượng nên họ chọn. Nếu ưu tiên chất lượng, khách đã xài hàng hiệu", Thu nói.
Cũng buôn giày dép, túi xách Quảng Châu với những mẫu mã giống hệt đồ mà sao Việt đã dùng, anh Tô Quốc Thắng (Phan Đình Phùng, Hà Nội) cho biết, công nghệ "bắt chước" từ chủ mối buôn khá nhanh nên nguồn hàng của anh luôn dồi dào, đảm bảo theo kịp thị trường.
Song giới showbiz luôn luôn thay đổi hình ảnh, style nên anh Thắng từng gặp không ít khó khăn trong việc nhập và tiêu thụ hàng. "Mỗi lần họ xuất hiện là bộ cánh mới, xu hướng mới, nhiều sản phẩm vừa lấy về tuần trước, tuần này đã lỗi mốt. Buôn bán tính toán không khéo cũng dễ tồn kho, hụt vốn", anh Thắng nói.
Bạn thân của một nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng cho biết, qua các trang mạng xã hội và Internet, sao Việt có biết việc tên tuổi của mình bị lạm dụng, gắn mác trên những sản phẩm thời trang. Tuy nhiên, chưa bao giờ anh thấy người đẹp phàn nàn về điều này. "Phụ kiện không làm nên giá trị con người nên nếu có người hiểu nhầm nữ diễn viên dùng đồ rẻ tiền hoặc đụng hàng cũng không quan trọng. Tôi chưa bao giờ thấy cô ấy phiền lòng về chuyện đó", anh nói.
Trong khi đó, quản lý của một ca sĩ nổi tiếng lại cho biết, cả anh và cô đều rất khó chịu khi thấy tên tuổi bị gắn mác tràn lan. Bởi không ít mẫu mã, phong cách trong đó, họ đã phải đầu tư những khoản tiền rất lớn, đặt thiết kế riêng. Nhưng chỉ sau một sự kiện, vài tấm hình được tung ra, thị trường ngay lập tức tràn ngập những sản phẩm có kiểu dáng tương tự.
Theo quan sát của anh, quần áo, phụ kiện được gắn mác người nổi tiếng thường có giá rất rẻ so với đồ xịn nhưng lại quá đắt nếu là hàng nhái. "Tưởng đúng là hàng mà thần tượng đã dùng, khách mua về sẽ thất vọng khi phát hiện chất lượng không tốt. Vấn đề bản quyền thiết kế không được tôn trọng. Đó cũng là một trong những lý do mà ca sĩ, người mẫu luôn phải đầu tư style mới mỗi khi xuất hiện", vị này cho hay.
Ông Lê Tấn Đạt, Giám đốc điều hành của Công ty Sáng tạo Quảng cáo NEO cho rằng, việc mượn tên tuổi của người nổi tiếng để bán hàng rất thông minh nhưng chỉ áp dụng với kinh doanh nhỏ lẻ. "Cách làm đó tuy không hay lắm nhưng chọn đi trên vai của những người khổng lồ sẽ mang lại hiệu quả nhanh", ông nói.
Tuy nhiên, ông Đạt nhấn mạnh, việc sử dụng nhãn hiệu chứ không phải thương hiệu luôn tiềm ẩn may rủi. Bởi khi gắn liền với tên tuổi người nổi tiếng, sản phẩm đó sẽ chịu tác động rất lớn từ hình ảnh, chuyện đời sống riêng tư của ca sĩ, diễn viên... đó. "Mác người nổi tiếng rất hút khách, trước hết là fan của họ, kế đến là người tiêu dùng ai cũng muốn đẹp như sao. Nhưng khi có sự cố, scandal, những sản phẩm đó cũng rất có thể bị tẩy chay", ông Lê Tấn Đạt nói.

Theo vnexpress
Các tin cũ hơn:

Miếng bánh mới của Kinh Đô 

Các siêu thương hiệu Nhật Bản đa dạng hóa – hơn một cái tên 

Cuộc "cách mạng" trên phân khúc sedan cỡ lớn 

Muốn tiết kiệm? hãy tạo khách hàng trung thành 

Đo độ giàu của các sếp Facebook sau IPO 

Lãnh đạo hướng nội: Họ là ai? 

Đế chế triệu đô của ca sỹ tuổi teen Justin Bieber đã được tạo ra như thế nào? 

Bán thương hiệu cho nước ngoài: những bài học đắt giá 

Chuyển đổi mô hình kinh doanh: Từ Wal-mart đến chuyện của Big C và Masan ở Việt Nam 

Những bài học kinh doanh quý báu rút ra từ thảm hoạ Titanic 

Nokia phải làm gì để cứu lại thời huy hoàng đang dần tắt? 

Hé lộ vũ khí công phá Việt Nam thứ 4 của ông trùm clone Rocket Internet 

Cách sử dụng Bản đồ chiến lược - "Vũ khí" lợi hại để đoán trước nước cờ của đối thủ 

Thành công đỉnh cao với kinh doanh salon tóc 

Vì sao Highlands Coffee thâu tóm Phở 24? 

Mạnh chân 'nhảy' qua vực phá sản từ ý tưởng thương lượng chi phí 

Michael Portman _Anh thợ cạo tạo nên thương hiệu chăm sóc tóc toàn cầu bằng... âm nhạc và bia 

Bao bì thương hiệu: Giải mã cuộc chiến trên kệ hàng 

Thuật bán xe 

Lãi lớn với dịch vụ chăm sóc người già 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét