Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

MU: Làm thương hiệu bằng đa dạng hóa quốc tịch cầu thủ

Rất bất ngờ, Manchester United (MU) vừa được xếp đầu thế giới về giá trị thương hiệu, bất chấp một mùa giải thất bát về mặt chuyên môn.
MU: Làm thương hiệu bằng đa dạng hóa quốc tịch cầu thủ
MU đã quốc tế hoá thương hiệu một cách xuất sắc thông qua việc đa dạng hóa quốc tịch cầu thủ.


Mùa vừa qua, MU đã để vuột chức vô địch Ngoại hạng Anh vào tay đối thủ đồng hương Manchester City. Họ cũng không hề tiến sâu tại cúp FA hay Champion Leagues.

Thế nhưng, theo báo cáo mới được công bố của Brand Finance, MU dẫn đầu trong nhóm thương hiệu bóng đá giá trị nhất thế giới, với thương hiệu được định giá ở mức 672,9 triệu euro, tăng gần 30% so với năm ngoái. Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng này là Bayern Munich (Đức) với 617,9 triệu euro. Real Madrid (Tây Ban Nha) đứng thứ ba với 471,7 triệu euro.

Đàm phán xuất sắc
Theo báo cáo của Công ty Kiểm toán Deloitte, trong tổng doanh thu mùa bóng 2011 của MU, 28% thu nhập đến từ quảng cáo, bên cạnh nguồn thu luôn được coi là lớn nhất với hầu hết các câu lạc bộ - nguồn thu từ bản quyền truyền hình (37%) và tiền bán vé các trận đấu (35%). Nhưng trong 3 tháng đầu năm nay, doanh thu quảng cáo đã vượt tiền bán vé và bản quyền truyền hình, đạt 43 triệu USD, theo AP.
Một trong những hợp đồng lớn nhất MU ký được là hợp đồng quảng bá cho hãng chuyển phát nhanh DHL năm 2011, với giá trị gần 50 triệu euro, được cho là bằng một nửa giá trị hợp đồng ký với nhà tài trợ chính, tập đoàn bảo hiểm AON.
Theo Bloomberg, nhóm quảng cáo của MU đã thành công khi đàm phán những hợp đồng kếch xù với các thương hiệu hàng đầu. MU ký được hợp đồng với SABMiller, Standard Chartered và vẫn giữ được hợp đồng với Nike là nhà cung cấp trang phục chính thức.
Trang chủ của MU công bố 5 đối tác tài trợ chính của câu lạc bộ, tập trung chủ yếu ở Đông Nam Á. Số người hâm mộ tại châu Á của MU chiếm khoảng 60% người hâm mộ toàn thế giới. Ngay cả DHL, trong nỗ lực quảng bá dịch vụ của mình qua MU, cũng là một tập đoàn hậu cần kho vận hoạt động kinh doanh rất mạnh tại châu Á.
MU cho biết tất cả các chiến lược quảng cáo hợp tác với các thương hiệu đều được thiết kế riêng phục vụ cho nhu cầu quảng bá tại một thị trường nhất định.
Với khả năng vươn xa tới các thị trường mới nổi, MU ký hàng loạt hợp đồng giá trị cao với những thương hiệu tại khắp nơi trên thế giới, như Singha Beer (Trung Quốc), Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ), Telekom Malaysia, Concha y Toro (Chile).
Tại Việt Nam, The Independent cho biết có tới 16 triệu người hâm mộ MU. Một hợp đồng 3 năm ký với Beeline để quảng bá tại Việt Nam, Lào, Campuchia là bước đầu tiên để MU tiếp cận thị trường này.

Quốc tế hóa nhờ cầu thủ
MU giờ nằm trong tay tỉ phú Mỹ Malcom Glazer. Sự thống nhất hoàn toàn về quản trị cho phép giảm sức ép từ nhà đầu tư, để MU có không gian tự do xác định hướng đi.
MU đã quốc tế hóa thương hiệu một cách xuất sắc thông qua việc đa dạng hóa quốc tịch cầu thủ. Không chỉ chiêu mộ các ngôi sao từ châu Âu, đội bóng còn sở hữu nhiều danh thủ từ các châu lục khác như Park Ji-Sung (Hàn Quốc), Tim Howard (Mỹ) hay Javier Hernandez (Mexico). Các cầu thủ này là niềm tự hào của người hâm mộ quê hương họ và cũng lôi kéo cho câu lạc bộ một số lượng không nhỏ người ủng hộ đi theo.
Để phát huy lợi thế đã tạo được từ quốc tế hóa thương hiệu, MU đã thành lập 14 trường dạy đá bóng cho thiếu niên, trên thế giới, từ Canada, Nam Phi, Dubai tới Đông Nam Á.
Góp phần tạo dựng thương hiệu cho MU không thể không nhắc tới phong cách riêng biệt của đội bóng trong thi đấu. MU có lối đá thiên về tấn công tốc độ khá quyến rũ, đẹp mắt và ẩn chứa vẻ kiêu hãnh. Phong cách này rất được yêu mến tại châu Á, một thị trường rộng lớn với ngày càng nhiều người giàu sẵn sàng tiêu tiền vào các thú tiêu khiển.
MU cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt về vấn đề quan hệ công chúng. Qua kênh truyền hình riêng MUTV, một trong những kênh bóng đá câu lạc bộ đầu tiên, 190 triệu hộ gia đình hằng ngày dõi theo các thông tin của Quỷ Đỏ. Mỗi tháng, website của câu lạc bộ cũng tiếp đón 70 triệu lượt thăm, trở thành kênh giao tiếp hiệu quả với người hâm mộ, đối tác và báo chí.
Tuy nhiên, MU cũng đang phải đối mặt với một trở ngại, đó là duy trì lòng trung thành của người hâm mộ ngay tại nước Anh. Người hâm mộ nơi đây đang trở nên khắt khe với tính thương mại hóa quá cao ngày một bao trùm lên nền công nghiệp bóng đá. Sự quốc tế hóa mạnh mẽ trong đội hình và lối chơi khiến những người ủng hộ không còn nhìn thấy hình ảnh thân thuộc của đội bóng quê mình mà thay vào đó là hàng loạt những hình tượng đang ngày một trở nên đậm tính kinh doanh.
Nhưng điều đó là chuyện không chính yếu với họ lúc này. Hè đã đến và họ đang chuẩn bị tổ chức những chuyến du đấu tới một châu lục khác. Cùng với đó là các chính sách kinh doanh trong vali. 

Theo Nhịp cầu đầu tư
Các tin cũ hơn:

Những bãi biển điểm đến của hè 2012 

10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 

Ngợp trước bể bơi hoành tráng nhất thế giới 

Tháp cao nhất thế giới chính thức mở cửa ở Tokyo 

10 bộ sưu tập siêu xe hàng đầu thế giới 

'Đệ nhất sen' Tịnh Đế 

Vũ điệu tuyệt vời của côn trùng 

Thưởng lãm ẩm thực đường phố vòng quanh thế giới 

Ngắm các kim tự tháp trên thế giới 

Những tòa nhà dát vàng nổi tiếng nhất Việt Nam 

Khách sạn đĩa bay trong lòng đại dương 

Chiêm ngưỡng “nóc nhà” mới của New York 

Vẻ đẹp mê hoặc của Iceland 

Những chiếc xe đạp đắt đỏ dành cho giới siêu giàu 

Louis Vuitton và cửa hiệu Maison Rome Etoile tại Ý 

Khách sạn dành cho cừu của thương gia Nhật Bản 

Chung cư siêu sang cho ngày tận thế 

Thăm quan khách sạn đắt nhất hành tinh 

10 biệt thự siêu sang đắt nhất thế giới 

20 bức ảnh vô giá về Tây Ban Nha 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét